Bí ẩn tòa tháp cổ thờ Công chúa Chăm Pa

08/12/2016 12:18
Nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài của thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), di tích tháp Po Sah Inư là quần thể đền tháp còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa.

Nằm trên đồi Bà Nài, thuộc phường Phú Hài của thành phố Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), di tích tháp Po Sah Inư là quần thể đền tháp còn sót lại của Vương quốc Chăm Pa xưa.

Tương truyền tháp cổ được lấy tên nàng Công chúa Po Sah Inư và đây cũng là đền thờ để tưởng nhớ công lao và câu chuyện tình bi thương của nàng.

Bí ẩn tòa tháp cổ thờ Công chúa Chăm Pa

Tháp nhỏ nhất thờ thần Lửa, tháp kế bên thờ thần Bò và thần Nandin

Quần thể tháp cổ huyền bí, kiến thúc nghệ thuật độc đáo này đã được xếp hạng di tích quốc gia vào năm 1991 và là một trong những điểm du lịch hấp dẫn của tỉnh Bình Thuận làm say lòng du khách. Trải qua bao biến đổi của thời gian và thăng trầm lịch sử, tháp Po Sha Inư vẫn đứng sừng sững, trầm mặc với vẻ đẹp nguyên sơ, bí ẩn.

Nhóm tháp này có phong cách kiến trúc Hòa Lai - một trong những phong cách nghệ thuật cổ của Chăm Pa. Tháp tuy kích thước không đồ sộ, hoành tráng nhưng nó chắt lọc được những tinh hoa kỹ thuật kiến trúc và nghệ thuật trang trí của người Chăm xưa tạo nên vẻ uy nghiêm và kỳ bí. Đây cũng là một trong những cụm tháp Chăm cổ hiếm hoi còn tồn tại tương đối nguyên vẹn cho đến ngày nay.

Tòa tháp cổ thờ nàng công chúa Chăm Pa

Truyền thuyết kể rằng, Po Sha Inư là tên gọi của một nàng Công chúa Chăm tài sắc vẹn toàn, theo đạo Bà-la-môn. Vào tuổi trưởng thành, nàng đem lòng yêu thương chàng Pôchok theo đạo Bà-ni. Do khác biệt về tôn giáo nên hai người không thể đến được với nhau. Dù yêu chàng Pôchok say đắm nhưng Công chúa Po Sah Inư cũng là một người con gái hiếu thảo. Nàng đã nghe lời khuyên của vua cha, từ bỏ người yêu trở về với đạo của mình.

Chôn chặt mối tình oan trái, Po Sah Inư chuyên tâm giúp vua cha xây dựng cơ nghiệp. Bằng tài trí của mình, Công chúa Po Sah Inư đã truyền dạy cho người dân cách đối nhân xử thế sao cho đoàn kết, hữu hảo; bà còn dạy người dân nghề đánh cá, làm gốm, dệt vải xây dựng cuộc sống no ấm... Từ những công trạng đó, người dân rất tôn kính bà như một vị thánh. Khi mất đi, bà được nhân dân thần thánh hóa và lập đền thờ để ghi công- đó là đền Po Sah Inư ngày nay...

Du khách đến viếng tháp thường là cầu Công chúa Po Sah Inư phù hộ cho gia đạo bình an, làm ăn thuận lợi, con cái học hành tấn tới, ngoan ngoãn, cũng có những đôi vợ chồng hiếm muộn đến tháp cầu con, cũng có những người già đến cầu quốc thái dân an, cầu thịnh vượng cho đất nước và bình yên cho mọi người…

Bí ẩn tòa tháp cổ thờ Công chúa Chăm Pa

Tháp lớn thờ thần Shiva với bộ Linga - Yoni làm bằng đá đen nguyên khối

Độc đáo lễ hội Katê

Theo các nghiên cứu và khai quật khảo cổ, nhóm tháp Po Sah Inư được xây dựng từ khoảng cuối thế kỷ thứ VIII, đầu thế kỷ thứ IX. Hiện tháp Po Sah Inư vẫn còn tương đối nguyên vẹn kiến trúc cổ độc đáo, tinh tế mà nguyên sơ, phóng khoáng. Không cầu kỳ với những họa tiết trên bề mặt, không có cửa vòm nhưng những ngôi tháp đã tạo được những ấn tượng mang đậm văn hóa của người Chăm xưa.

Quần thể tháp Chăm Po Sah Inư hiện còn 3 tháp. Trong đó, tháp lớn nhất còn khá nguyên vẹn, thờ thần Shiva với bộ Linga - Yoni làm bằng đá đen nguyên khối. Gần đó là 2 ngôi tháp nhỏ, bị hư hỏng khá nặng. Tháp nhỏ nhất nằm sát tháp lớn thờ thần Lửa. Cách đó khoảng 50m là tháp thờ thần Bò và thần Nandin. Trong quần thể các tháp này, các nhà khảo cổ còn tìm thấy nhiều nền móng của một ngôi đền cổ khá rộng lớn với nhiều tầng bậc.

Tại tháp Pô Sah Inư hàng năm cộng đồng Chăm ở Bình Thuận đều tổ chức lễ hội Katê. Đây là lễ hội lớn nhất của đồng bào dân tộc Chăm theo đạo Bà La Môn được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm nhằm khoảng đầu tháng 10 dương lịch, để tưởng nhớ các vị Nam thần như Pô Klong Garai, Pô Rômê…

Lễ hội diễn ra trên một không gian rộng lớn, lần lượt từ đền tháp đến làng rồi về từng gia đình. Lễ hội Katê là một lễ hội dân gian đặc sắc nhất trong kho tàng văn hoá của cộng đồng người Chăm. Lễ hội không chỉ là dịp để những người tham dự được chiêm ngưỡng các đền tháp cổ kính mà còn được thưởng thức một nền nghệ thuật ca múa nhạc dân gian với phong cách độc đáo. Lễ hội Katê là minh chứng về sự phong phú, đa dạng trong kho tàng văn hoá của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.

Lễ hội Katê bao gồm hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ: các nghi lễ cơ bản giống nhau về nội dung, nghi thức hành lễ như lễ đón rước y phục, lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần, lễ mặc y phục cho tượng thần, và đại lễ. Khi điệu múa thiêng trong tháp vừa kết thúc thì ở ngoài tháp bắt đầu mở hội.

Những điệu trống Gi Năng và kèn Saranai cùng vang lên hoà với các điệu múa và làn điệu dân ca Chăm làm náo nức lòng người. Qua một chặng dài lịch sử, Kate là tấm gương phản chiếu những sinh hoạt của một cộng đồng, là nơi hội tụ di sản văn hóa Chăm đồ sộ mà người Chăm tích lũy được trên dặm đường lịch sử của mình.

Phế tích Lầu Ông Hoàng

Gần khu quần thể tháp Chăm, phía đông bắc đỉnh đồi Bà Nài là phế tích Lầu Ông Hoàng nổi tiếng. Năm 1911, một ông Hoàng người Pháp là công tước De Montpensier từ Pháp sang du lịch, săn bắn ở những ngọn đồi lân cận, thấy phong cảnh sơn thủy đẹp ở đây nên ông nảy ra ý định mua đất và xây dựng biệt thự, cũng để có nơi nghỉ ngơi trong các kỳ săn bắn và du lịch sau này. Nguyện vọng của ông đã được nhà cầm quyền Pháp ở Bình Thuận (công sứ Garnier) đồng ý bán quả đồi Bà Nài.

Bí ẩn tòa tháp cổ thờ Công chúa Chăm Pa

Tượng đài chiến thắng Lầu Ông Hoàng

Ngày 21/2/1911 biệt thự được khởi công xây dựng và gần 1 năm sau đó hoàn chỉnh, với diện tích rộng 536m² chia thành 13 phòng. Đây là biệt thự đẹp, đầy đủ tiện nghi, ban đêm có máy phát điện, dưới biệt thự có nhiều hầm ngầm chứa nước mưa đủ cho những người trong biệt thự dùng trong 1 năm, được coi là hiện đại nhất Bình Thuận lúc bấy giờ.

Từ đó trở đi nhân dân Phan Thiết quen gọi khu vực này là đồi Lầu Ông Hoàng để chỉ ngọn đồi có khu biệt thự to đẹp do công tước De Montpensier xây dựng. Tháng 7/1917, công tước De Montpensier bán lại cho chủ khách sạn người Pháp Prasetts. Sau khi có Lầu Ông Hoàng một người Pháp tên Bell đã xây dựng Hotel Ngọc Lâm ở quả đồi bên cạnh để phục vụ người Pháp. Vài chục năm sau thi sĩ Hàn Mạc Tử đã đến địa danh này và đã để lại nhiều kỷ niệm khiến cho Lầu ông Hoàng càng có sức lan tỏa lớn.

Thời kỳ kháng chiến 9 năm, cũng tại Lầu Ông Hoàng, quân Pháp xây dựng ở đây một hệ thống đồn bót với nhiều lô cốt bê tông cốt thép chắc chắn để khống chế khu vực thị xã Phan Thiết. Ngày 14/6/2947, đại đội Hoàng Hoa Thám, Trung đoàn 82 Bình Thuận cải trang tập kích tiêu diệt hoàn toàn cứ điểm Lầu ông Hoàng, diệt và bắt 35 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang thiết bị trong đó có 1 khẩu đại liên Vicker. Đây là 1 trong những trận đánh điển hình của lực lượng vũ trang tỉnh Bình Thuận trong giai đoạn 9 năm kháng chiến chống Pháp, thường được gọi là chiến thắng Lầu Ông Hoàng.

Trong kháng chiến chống Pháp, biệt thự Lầu Ông Hoàng đã bị tiêu hủy, ngày nay chỉ còn lại toàn bộ nền móng, hầm ngầm chứa nước và những ký ức trong người dân Phan Thiết. Tại khu di tích Po Sah Inư hiện nay vẫn có Đài tượng niệm chiến thắng để du khách ghé thăm và thắp hương tưởng nhớ.

xahoi.com.vn

Bí ẩn tòa tháp cổ thờ Công chúa Chăm Pa - Du Lịch