Giữa những khó khăn vất vả nơi vùng núi Cao Bằng, những ước mơ giản dị và niềm hạnh phúc nhỏ bé vẫn ngày ngày được nuôi dưỡng từ sự bình yên trong mỗi gia đình. Đó là sự bình yên khi những đứa trẻ được đến trường đều đặn, là niềm an tâm của cha mẹ khi có thể tập trung làm ăn, từng bước cải thiện cuộc sống.
“Hạnh phúc của tôi đơn giản là được thấy các con lớn lên an toàn, được ăn ngon, chơi vui mỗi ngày”
Là con cả trong một gia đình người H’Mông có bốn anh em, tuổi thơ của anh Vừ A T. gắn liền với những bữa ăn đạm bạc và chưa đủ no.
Anh T. nhớ lại, khi còn nhỏ, sáng nào bố mẹ cũng thức dậy từ tờ mờ, vội vã quẩy gùi lên nương. Trước khi đi, mẹ anh thường để lại một nồi mèn mén nguội nấu vội từ đêm hôm trước. Ở bản Khau Dề, nơi những mái nhà sàn lụp xụp nép mình bên sườn núi, cuộc sống người dân quanh năm chỉ biết đến nương rẫy và quen với những bữa cơm từ mèn mén với rau rừng. Những đứa trẻ cũng quen với việc tự trông nhau mỗi khi bố mẹ lên nương.
“Ngày đó nhà nào cũng vậy, nên không thấy khổ. Buổi trưa bữa thì ăn mèn mén bố mẹ để lại trước khi lên nương, bữa thì chẳng có gì, nhưng mình cũng quen rồi,” anh T. kể lại.
Niềm vui của anh Vừ A T. là mỗi buổi chiều được nghe các con tíu tít kể về thầy cô, bạn bè trên lớp và về những bữa ăn bán trú ngon lành với đầy đủ rau thịt.
Thời gian trôi qua, anh T. giờ cũng có một gia đình nhỏ cho riêng mình, trở thành cha của hai cô con gái, bé đầu 3 tuổi và bé sau 4 tuổi. Cuộc sống của gia đình anh vẫn gắn liền với nương rẫy nhưng cuộc sống bản làng đã có những thay đổi. Không phải ở nhà một mình khi bố mẹ làm việc, cả hai con gái của anh đều theo học tại điểm trường Khau Dề (Trường Mầm non Thái Sơn) cùng nhiều bạn bè khác trong bản. Cứ mỗi chiều, sau khi thu dọn công việc trên nương, anh lại chạy xe xuống trường đón con. Hai đứa nhỏ ríu rít kể chuyện trường lớp bằng tiếng H’Mông, kể về món ăn buổi trưa được ăn trong bữa cơm bán trú.
“Ở nhà ít khi có thịt, chủ yếu là rau xanh, còn cà rốt thì bà con không trồng được. Tới trường, các cô mang thực phẩm từ thị trấn lên nấu nên trong bữa mới có cà rốt. Cả 2 con tôi đều thích ăn lắm,” anh kể.
Những bữa ăn bán trú tại trường giúp không chỉ giúp các em học sinh no bụng mà còn mang tới niềm hạnh phúc cho bậc làm cha, làm mẹ như anh T.
Không còn những bữa cơm đạm bạc khi có khi không như ngày anh còn bé, các con anh T. nay đã có thể ăn đủ, ăn ngon, ngủ yên tại lớp. Được chứng kiến các con mình được lớn lên trong một cuộc sống đủ đầy hơn so với mình ngày trước là một niềm hạnh phúc bình dị nhưng rất đỗi ấm áp đối với người làm cha như anh T.
“Hạnh phúc của tôi đơn giản là được thấy các con lớn lên an toàn, được ăn ngon, chơi vui mỗi ngày để mai sau các con có thể theo đuổi điều mình thích.”
Những bữa cơm của sự yên tâm, ổn định
Những bữa cơm ấm nóng không chỉ giúp các em học sinh lớn lên, mà còn trở thành một sự yên lòng cho bố mẹ để họ có thể yên tâm phát triển kinh tế. Vừ Thị D. có hai con, một bé 6 tuổi và một bé 3 tuổi. Khoảng cách ba năm giữa hai đứa trẻ không dài nhưng đủ để chị cảm thấy sự thay đổi rõ rệt nơi bản làng mình sinh ra và lớn lên.
Cả hai con của chị đều theo học tại điểm trường Lũng Chang thuộc Trường Mầm non Thái Sơn. Khi con lớn của chị đi học mầm non, điểm trường Lũng Chang chưa tổ chức bữa ăn bán trú nên bé phải về nhà ăn trưa.
Ngày ấy, mỗi ngày chị D. phải bốn lần đi về giữa nhà và trường: sáng đưa con đi, trưa đón con về ăn cơm, đầu giờ chiều lại đưa lên lớp, buổi chiều lại một lần nữa đón con vào giờ tan lớp. Những lúc con ở trên trường, chị cũng tranh thủ làm nương rẫy. Nhưng chồng đi làm ở thị trấn, nhà chỉ có mình chị vừa làm nương vừa phải đưa đón con nhỏ nhiều lần trong ngày nên năng suất lao động không cao.
“Đường đèo dốc, tôi không dám để con tự đi một mình. Cơm mang đi ngày nóng thì sợ thiu, ngày đông thì cơm nguội lạnh nên tôi đành cứ sáng đưa, trưa đón, chiều lại đưa. Nhiều hôm vừa làm nương, vừa canh giờ để kịp đón con về ăn cơm, làm sao tập trung làm nương rẫy được,” chị chia sẻ.
Những hôm trời mưa, con đường đèo trở nên trơn trượt như tráng mỡ. Một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu, chị D. phải giữ tay lái thật vững đi qua những vũng lầy. Những ngày ấy, chị D. càng thêm lo lắng. “Khi ấy con hay phải nghỉ học vì trời mưa, một ngày đi đi về về nhiều lần nguy hiểm lắm,” chị nhớ lại.
Mỗi ngày tới lớp, các em học sinh tại điểm trường Lũng Chang đều được ăn những bữa ăn bán trú đầy đủ dinh dưỡng cùng bữa phụ vào buổi chiều
Tới năm học 2024-2025 vừa rồi, khi người con thứ hai của chị bắt đầu tới lớp cũng là lúc chị hay tin điểm trường Lũng Chang bắt đầu triển khai bữa ăn bán trú.
“Từ ngày con được ăn bán trú trên lớp, gia đình đỡ vất vả đi nhiều. Tôi có thể tập trung làm nương rẫy. Gia đình cũng tăng gia thêm đàn ngỗng để kiếm thêm đồng ra, đồng vào, cải thiện thu nhập cho gia đình,” chị hào hứng chia sẻ. “Tôi cũng chẳng mong kiếm được gì nhiều, chỉ mong đủ kinh tế để lo cho con ăn học đầy đủ.”
Cũng là mẹ của một em nhỏ đang theo học tại điểm trường Lũng Chang, mỗi sáng chị Vừ Thị P. lại cùng con gái nhỏ 3 tuổi tới trường. Sau khi gửi con cho cô giáo, thay vì trở về nhà như bao phụ huynh khác, chị nhanh chóng đi sang gian bếp nhỏ của trường, bắt tay vào công việc chuẩn bị bữa trưa cho hơn 30 em học sinh tại điểm trường Lũng Chang. Đầu năm học vừa qua, ngay khi biết tin điểm trường con mình theo học đang cần người nấu ăn để bắt đầu triển khai bữa ăn bán trú cho các em học sinh, chị P. đã nhanh chóng chủ động đăng ký.
Công việc nấu ăn bán trú tại điểm trường Lũng Chang vừa giúp chị Vừ Thị P. có thêm thu nhập ổn định, vừa là cơ hội để chị được gần con hơn
“Từ khi làm công việc này, tôi vừa được ở gần con, vừa biết con ăn gì, ăn có ngon không. Tôi cảm thấy yên tâm hẳn,” chị P. nói, tay thoăn thoắt chuẩn bị nguyên liệu nấu ăn.
Không chỉ cho chị sự an tâm với tư cách một người mẹ được nhìn con ăn ngon, lớn lên mỗi ngày, công việc nấu ăn mới này cũng góp phần giúp người phụ nữ H’Mông thêm yên tâm về kinh tế.
“Trước kia, hai vợ chồng chỉ làm rẫy quanh năm cũng chẳng dư giả, nay có thêm thu nhập ổn định mỗi tháng từ việc nấu ăn cho trường hai vợ chồng thấy vui lắm. Hơn nữa tôi còn được có thêm thời gian ở bên con, cùng con tới lớp mỗi ngày,” chị chia sẻ, niềm vui ánh lên trong ánh mắt.
Gieo mầm ước mơ
Bảo Lâm là huyện vùng cao, vùng sâu, vùng xa nằm ở phía tây Cao Bằng với tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo lên tới hơn 75%. Ở những bản làng nhỏ giữa núi rừng trùng điệp, thơ mộng là những câu chuyện mưu sinh, là những mối lo toan về cái ăn, cái mặc thường ngày. Nhưng ngày ngày người dân nơi đây vẫn kiên trì, chăm chỉ làm ăn, từng ngày vun đắp ước mơ cho thế hệ tiếp theo.
Những bữa cơm bán trú của con anh T., của các con chị D., chị P. không chỉ giúp trẻ no bụng mà còn mang đến sự yên tâm cho những người cha, người mẹ. Khi con cái được đến trường đều đặn, cha mẹ có thêm thời gian làm nương, phát triển kinh tế. Sự yên tâm ấy, qua thời gian, đang từng chút một tạo nên những thay đổi thầm lặng nhưng bền vững cho cả cộng đồng.
Bên cạnh việc bảo trợ bữa ăn, hàng năm, dự án Cùng em khôn lớn tổ chức chuyến đi thăm em nhằm động viên, khích lệ các em học sinh dân tộc thiểu số trên hành trình vượt núi băng đèo đi học.
Đó cũng là điều dự án Cùng em khôn lớn của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt (VSF) đang lặng lẽ góp phần xây dựng trong những năm qua tại huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng. Từ năm 2020 tới nay, dự án đã bền bỉ mang những bữa cơm đầy đủ chất dinh dưỡng vượt đại ngàn, tới với những điểm trường heo hút của huyện biên giới tỉnh Cao Bằng. Những bữa cơm không chỉ được nấu từ gạo, từ thịt, mà còn từ tình yêu thương của hàng nghìn lượt bảo trợ đến từ khắp mọi miền đất nước. Trong năm học 2024-2025, dự án tiếp tục nối dài hành trình yêu thương ấy khi mở rộng thêm bảo trợ cho điểm trường Mầm non Lũng Chang của Trường Mầm non Thái Sơn. Tổng số bữa ăn được bảo trợ đến cuối năm học đạt hơn 60.000 bữa, tổng số tiền đóng góp từ 226 nhà bảo trợ cá nhân và tổ chức là hơn 462 triệu đồng.
20 năm nữa, những cô bé, cậu bé đang ríu rít kể nhau nghe món cà rốt hay thịt băm trong bữa cơm bán trú hôm nay rồi sẽ trưởng thành. Khi ấy, những em nhỏ của bản làng sẽ có người trở thành thầy cô giáo quay lại trường xưa để gieo chữ, có người trở thành thành bác sĩ, y tá mang kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân hay những người nông dân áp dụng những công nghệ mới để mang về những vụ mùa năng suất.
Những ước mơ về tương lai tươi sáng ấy đang từng chút một được vun đắp dưới mái trường giữa núi rừng Bảo Lâm với những nương ngô, ruộng bậc thang trải dài ngút tầm mắt, nơi những bữa cơm bán trú vẫn đều đặn nấu lên từ tình yêu thương và sự sẻ chia.
P.V