Anh H. thường xuyên luyện tập và gần đây đăng ký tham gia giải chạy phong trào. Trong cuộc đua đó, anh đã phải đi cấp cứu vì suy thận cấp, mất nước, cần lọc máu.
Ngày 19/10, thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Phong, Phó Khoa Hồi sức tích cực và Chống độc, Bệnh viện E (Hà Nội), cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu một bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi đang chạy bộ.
Bệnh nhân N.M.H (37 tuổi, trú tại Hà Nội) nhập viện cấp cứu khi đang tham gia giải chạy bộ phong trào. Đang chạy, bệnh nhân thấy chóng mặt, choáng váng và ngất xỉu, được sơ cứu tại bệnh viện gần điểm chạy sau đó chuyển tới Bệnh viện E.
Tại đây, bệnh nhân H. có biểu hiện kích thích vật vã, được đánh giá mất nước, mạch nhanh, huyết áp tụt. Bác sĩ chẩn đoán sơ bộ anh bị sốc choáng, giảm khối lượng tuần hoàn do hoạt động thể lực gắng sức, theo dõi tình trạng tiêu cơ vân.
Bác sĩ Phong chỉ ra sai lầm của nhiều người mắc trong chạy bộ. Ảnh: Thạch Thảo.
Xét nghiệm máu cho thấy bệnh nhân có dấu hiệu toan chuyển hóa, suy thận cấp, tăng CK máu (một loại enzyme xúc tác phản ứng sinh hóa của cơ thể). Bệnh nhân đã được bác sĩ chỉ định điều trị tích cực, lọc máu. Hai tuần sau, tình trạng bệnh nhân cải thiện, có nước tiểu.
Bệnh nhân H. có tiền sử khỏe mạnh, bản thân anh cũng thường xuyên luyện tập. Tuy nhiên, trước giải chạy ba ngày, bệnh nhân có bị sốt. Hết sốt, anh H. nghĩ mình đã khỏe nên tham gia giải chạy. Các bác sĩ cho rằng đây là sai lầm của bệnh nhân và rất nhiều người đang mắc phải đã vô tình gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Theo bác sĩ Phong, mỗi năm khoa Hồi sức tích cực và Chống độc đều tiếp nhận 4-5 bệnh nhân vào cấp cứu do sốc, choáng do vận động gắng sức. Trường hợp như anh H. cũng không phải hiếm gặp. Bất cứ ai khi tham gia hoạt động thể lực gắng sức đều có thể dẫn tới choáng, sốc, giảm thể tích tuần hoàn. Bệnh nhân sẽ có dấu hiệu choáng váng, mạch nhanh, ngất. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể tử vong.
Thời gian gần đây có nhiều giải chạy phong trào với sự tham gia đông đảo, thậm chí hàng chục nghìn người. Bác sĩ Phong cảnh báo chạy thể dục, thể thao tốt cho sức khỏe nhưng việc chạy cần phù hợp với sức khỏe của mình, không cố chạy gắng sức để đặt mục tiêu của bản thân mà quên đi thể lực hiện tại. Trước mỗi cuộc chạy, bạn cần chuẩn bị tập luyện thật kỹ càng, nâng dần dần độ khó.
Khi tập thể lực, bạn cần chú ý tới các dấu hiệu như khát nước liên tục dù đã uống nước, choáng, mệt cần dừng lại. Sau khi tập luyện, nếu có biểu hiện đau cơ kéo dài, mệt mỏi, nước tiểu ít, nước tiểu có màu đỏ, người dân cần nhanh chóng tới cơ sở y tế để được bác sĩ can thiệp.
Người đàn ông tử vong khi leo Tà Chì Nhù: Bác sĩ cảnh báoSau vụ việc một người đàn ông 61 tuổi vừa tử vong khi leo Tà Chì Nhù, bác sĩ khuyến cáo trước khi tham gia các hoạt động thể chất cường độ cao, người dân cần chủ động kiểm tra sức khỏe.
Bình luận