Với đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn - Ăn quả nhớ người trồng cây”, tháng 7 hằng năm, người dân ở mọi miền Tổ quốc lại về tỉnh Quảng Trị để viếng thăm, tri ân công lao của các anh hùng liệt sĩ đã đổ máu, xương để bảo vệ Tổ quốc
Du khách thập phương đến dâng hương, tri ân các anh hùng, liệt sĩ tại các nghĩa trang tỉnh Quảng Trị
Đi cùng gia đình đến viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, ông Trình Văn Bắc (67 tuổi) - cựu chiến binh đến từ tỉnh Thanh Hóa xúc động kể: “Hồi chiến tranh, tại Quảng Trị diễn ra nhiều trận đánh ác liệt lắm. Vì thế mới gọi đây là “đất lửa”. Tôi dẫn con cháu mình đến đây để biết và tự hào về quá khứ hào hùng của thế hệ đi trước; ghi nhớ về công lao của các anh hùng liệt sĩ, các thương binh để từ đó sống, làm việc, học tập làm sao cho xứng đáng”.
Cùng những người bạn đến Di tích Quốc gia Thành cổ Quảng Trị (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) viếng thăm, tri ân các anh hùng liệt sĩ, anh Phan Hoàng (ở Hà Tĩnh) cho biết, lần nào cũng vậy, mỗi khi đặt chân đến Thành cổ Quảng Trị, trong lòng anh lại dâng trào lên niềm xúc động khó tả, khiến nước mắt cứ thế tuôn trào
Tiếp tục theo chân người dân, du khách thập phương, cựu chiến binh… về Quảng Trị tri ân các anh hùng liệt sĩ trong dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, chúng tôi gặp đoàn Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng. Sau khi thực hiện nghi thức viếng anh linh các anh hùng liệt sĩ, các thành viên trong đoàn lắp đặt, kết nối hệ thống âm thanh và sắp thành hàng ngang để “Hát cho đồng đội tôi nghe”.
Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng đến dâng hương và hát cho đồng đội tôi nghe tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9
Không có người dẫn chương trình nhưng các tiết mục được diễn ra nhịp nhàng, xúc động. Dù tuổi tác đã cao nhưng chất giọng của các cựu chiến binh vẫn toát lên sự hào hùng như năm nào hát động viên đồng đội mình lên đường.
Những người có mặt hôm ấy cũng cuốn theo nhịp điệu bài hát lúc nào không hay. Trong đó có nhiều người khóe mắt đã cay cay, những giọt lệ rơi từ lúc nào...
Ông Lê Trung Tính - Hội trưởng Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng cho hay, đã thành thông lệ, vào dịp tháng 7 hằng năm Hội Chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lâm Đồng lại cùng nhau đến viếng Anh hùng liệt sĩ ở các nghĩa trang khắp cả nước. Trong đó, Quảng Trị là một địa điểm không thể bỏ qua.
“Trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là khốc liệt nhất. Quân địch đã rải vô số bom đạn lên mảnh đất ấy, rất nhiều đồng đội của chúng tôi đã hy sinh…”, ông Tính bật khóc khi hồi tưởng lại ký ức của những trận chiến khốc liệt cùng hình ảnh đồng đội ngã xuống lại hiện về.
Chia sẻ trong không khí cả nước hướng về Quảng Trị, miền đất lửa một thời, ông Lê Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Trị cho biết, cơ quan đã phân công các đơn vị trực thuộc tiến hành chuẩn bị để việc đón tiếp thân nhân, du khách mọi miền Tổ quốc về viếng anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn chu đáo và ân tình.
Tri ân, tưởng nhớ không chỉ là những việc làm cụ thể bằng chế độ chính sách, bằng những ngôi nhà tình nghĩa, những gói quà, lời nói động viên... Có một sự tri ân, tưởng nhớ, biết ơn cần phải được lưu tâm hơn, chú ý hơn, ấy là hậu thế hôm nay phải sống sao để xứng đáng với sự hi sinh cao cả của những người đã ngã xuống cho sự trường tồn của dân tộc.
Tháng 7 ở lại, nhưng sự linh thiêng, tri ân luôn kết nối, lan tỏa. Và những nghĩa cử để tri ân những anh hùng, liệt sĩ, những thương binh, bệnh binh... vẫn đang tiếp tục. Đó cũng cũng chính là tình cảm, trách nhiệm và lẽ sống của mỗi chúng ta hôm nay và mai sau.
Nguyễn Hiền