Sau khi bị phanh phui, ‘nữ tỷ phú’ Elizabeth Holmes kết hôn, sinh 2 con, trì hoãn được việc thi hành án 11 năm tù giam.
Máu bẩn: Bí mật và dối trá trong một công ty khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon của nhà báo người Mỹ John Carreyrou đề cập đến sự thăng trầm của Theranos, công ty phát triển thiết bị xét nghiệm máu trị giá hàng tỷ USD.
Bốn năm sau khi sách phát hành ở Mỹ, Elizabeth Holmes, người sáng lập Theranos, đã bị kết án 11 năm tù cho tội danh lừa đảo vào tháng 11/2022. Ngày thi hành án bắt đầu từ 27/4/2023 và thêm 3 năm bị quản thúc sau khi mãn hạn tù.
Vào tháng 4/2023, Holmes, hiện 39 tuổi, tiếp tục có những kháng cáo và đang được tại ngoại chờ quyết định mới.
Tác phẩm 'lạnh sống lưng'
Tác giả Carreyou từng 2 lần nhận giải thưởng Pulitzer danh giá. Phóng viên người Mỹ tiếp tục được trao giải thưởng George Polk cho những thông tin đầy đủ của ông về Theranos. Để hoàn thành "siêu phẩm thực thụ" (Nature), Carreyou đã thực hiện hàng trăm cuộc phỏng vấn với 150 người (bao gồm 60 nhân viên cũ của Theranos).
Hầu hết các nhân vật trong sách đều dùng tên thật nhưng cũng có một số người đề nghị không tiết lộ danh tính vì sợ công ty trả thù, bị liên lụy vào cuộc điều tra hình sự hoặc muốn bảo vệ sự riêng tư.
Tác phẩm đã giành được giải thưởng Sách Kinh doanh trong Năm của Financial Times. Tỷ phú Bill Gates cũng đánh giá cao cuốn này: "Máu bẩn giải quyết một số vấn đề nghiêm trọng về đạo đức, là tác phẩm gay cấn với kết thúc bi thảm”.
Rất nhiều tạp chí, các nhà văn, nhà báo dành những lời khen ngợi tương tự. "Lạnh sống lưng... Carreyrou đã viết ra một câu chuyện hoàn hảo" - (New York Times) hay "Một câu chuyện tuyệt vời, đôi chỗ đến mức khó tin về lừa đảo, những mối đe dọa về mặt pháp lý ở các cấp cao nhất trong giới doanh nghiệp Mỹ. Theranos có lẽ là vụ lừa đảo lớn nhất ở Mỹ sau Eron. Đó cũng là câu chuyện kể về việc những người quyền lực bị một kẻ dối trá trắng trợn dắt mũi ra sao" - (nhà báo Yashar Ali).
Elizabeth Holmes tuyên bố chỉ cần một vài giọt máu chích ở đầu ngón tay để xét nghiệm nhiều loại bệnh. Ảnh: USA Today
"Bỏ bùa mê" những nhà đầu tư sừng sỏ
Elizabeth Holmes được coi là phiên bản của Steve Jobs khi cũng từng bỏ đại học, thường xuyên mặc áo đen cao cổ và sáng lập công ty lúc mới 19 tuổi. Holmes hứa hẹn việc xét nghiệm máu sẽ trở nên thuận tiện như dùng iPhone: Chỉ cần 1-2 giọt máu để chẩn đoán và theo dõi cả trăm loại bệnh.
Theo New York Times, Holmes đã "bỏ bùa mê" ngay cả những nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, mài giũa bài thuyết trình cảm động về một cô bé sợ kim tiêm và giờ muốn xoay chuyển thế giới bằng xét nghiệm máu dễ dàng hơn.
Phiên bản sách phát hành tại Việt Nam. Ảnh: Alphabooks
Vào năm 2015, Joe Biden, khi đó là Phó Tổng thống Mỹ, đến thăm phòng thí nghiệm của Theranos ở Newark, California. Ông nhìn thấy những dãy thiết bị có vẻ ngoài ấn tượng và dành lời khen ngợi nồng nhiệt cho “phòng thí nghiệm của tương lai”.
Tất cả đều là giả. Các thiết bị mà ông Biden thấy gần như không thể hoạt động, được dàn dựng cho chuyến thăm.
Joe Biden không phải là người duy nhất bị lừa. Trong thời gian tồn tại của Theranos (từ năm 2003 tới 2015), các đại gia nổi tiếng đã bỏ ra tổng cộng 900 triệu USD. Danh sách bao gồm tỷ phú truyền thông Rupert Murdoch, nhà sáng lập hãng phần mềm Oracle Larry Ellison, gia tộc Walton của tập đoàn bán lẻ Walmart và gia đình cựu Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Betsy DeVos…
Một loạt chính trị gia đã nghỉ hưu tham gia vào Hội đồng quản trị công ty như George Shultz - cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ và Henry Kissinger - cựu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Chuỗi siêu thị Safeway và hãng dược Walgreens chi hàng triệu USD thành lập các phòng khám nhằm giới thiệu công nghệ được ca ngợi “mang tính cách mạng” của Theranos.
Tác giả Carreyrou nhận định, cốt lõi của vấn đề là Holmes đã hứa hẹn quá khả năng nên không thể thực hiện được. Để che giấu, công ty Theranos đi từ dối trá tới lừa đảo, bất chấp an nguy của người bệnh để có thêm tiền đầu tư. Không chỉ thế, bất cứ nhân viên nào lên tiếng cũng lập tức bị sa thải, không có thời gian thu dọn giấy tờ.
Kết hôn, sinh con sau khi vụ lừa đảo bị phanh phui
Trước khi bị tuyên án vào cuối năm 2022, Holmes đã gửi cho tòa án 130 lá thư của gia đình, bạn bè và một số đồng nghiệp cũ bày tỏ sự khen ngợi, ủng hộ với cô.
Theo ABC, trong đó có một bức thư dài từ chồng của Holmes là William Billy Evans. Kém vợ 8 tuổi, Evans là người thừa kế chuỗi khách sạn lớn ở California. Anh theo học tại Học viện Công nghệ Massachusetts từ năm 2010 đến năm 2015, tốt nghiệp Cử nhân Khoa học Kinh tế.
Elizabeth Holmes cùng bố - Christian Holmes và chồng - Evans. Ảnh: AP
Hai người gặp nhau đúng lúc Theranos đang dần sụp đổ. “Bạn sẽ không tin tôi đã gặp ai! Cô ấy không như những bài báo miêu tả”, một người bạn kể lại lời của Evans nói về lần đầu gặp Holmes.
Để gia đình Evans chấp nhận không phải là điều dễ dàng đối với cặp đôi. “Gia đình anh ấy kiểu như: ‘Con đang làm cái quái gì vậy?’ Cứ như thể anh ấy bị tẩy não vậy”, một nguồn tin chia sẻ với New York Post. Họ hàng cũng đưa ra nhiều lời phản đối như: “Đây có thể là sai lầm lớn nhất của cháu. Cần phải suy nghĩ kỹ về những gì cháu đang làm”.
Nhưng họ vẫn chuyển đến sống chung trong căn hộ ở San Francisco, kết hôn bí mật vào năm 2019 và có con đầu lòng năm 2021.
Chỉ vài tháng sau, Holmes bị kết tội lừa đảo và nhận bản án 11 năm tù vào tháng 11/2022. Sau khi tuyên án, Holmes xác nhận đang mang thai đứa con thứ hai với Evans và vừa sinh con trong năm nay. Hiện án tù vẫn chưa được thi hành. "Trái tim tôi tan nát với ý nghĩ phải xa Liz bất cứ ngày nào”, người chồng trẻ tâm sự.
Tác giả ‘Cây cam ngọt của tôi’: Hào quang rực rỡ nhờ cuốn sách mỏng
Bắt đầu viết sách từ năm 22 tuổi nhưng hơn 20 năm sau, José Mauro de Vasconcelos mới nổi tiếng nhờ tiểu thuyết 'Cây cam ngọt của tôi' chỉ dày hơn 200 trang.
Bình luận
Xem thêm: tin tức mới nhất của sao viet được cập nhật 24/7