Ngày 19/10/1923, một viện nghiên cứu và ứng dụng nguồn phóng xạ radium và tia xạ X trong điều trị ung thư ra đời với tên gọi Viện Cuire Đông Dương. Thời điểm này, nước ta đã có một số bệnh viện dành cho người bản xứ và người Pháp, nhưng chưa có bệnh viện chuyên khoa về ung thư, trong khi đó nhiều người mắc bệnh cần được thăm khám và điều trị.
Tròn 100 năm sau, tháng 10/2023, các bác sĩ Khoa Ngoại Lồng ngực, Bệnh viện K, vừa thông báo đã bóc tách thành công khối u có kích thước khổng lồ (15x20cm), nằm ở vị trí phức tạp cho bệnh nhân tưởng chừng vô phương cứu chữa. Chỉ 15 ngày sau ca đại phẫu kéo dài hơn 3 giờ, người đàn ông 43 tuổi, quê Hà Tĩnh, đã được xuất viện. Đây là một trong số rất nhiều ca mổ khó được triển khai tại bệnh viện những năm qua.
Trải qua hành trình một thế kỷ đặt nền móng cho ngành ung thư Việt Nam và hơn 54 năm xây dựng, phát triển, Bệnh viện K hiện nay giữ vai trò bệnh viện hạng 1 tuyến trung ương, cơ sở chuyên khoa đầu ngành trong điều trị ung thư của cả nước.
Cùng nhìn lại những dấu ấn đặc biệt của bệnh viện trăm tuổi này.
Khi mới thành lập, Viện Curie Đông Dương có diện tích 5.720m2, nằm tiếp giáp với 3 mặt đường: Tràng Thi, Quán Sứ và Hai Bà Trưng ngày nay. Viện chỉ có một toà nhà hai tầng được xây dựng vào những năm 1926-1929 với kinh phí khoảng 100.000 đồng bạc từ sự đóng góp của những nhà hảo tâm, chủ yếu là các nhà tư sản, quan chức Pháp và người Việt Nam.
Sau nhiều năm thuộc quản lý của Chính phủ bảo hộ Pháp, năm 1957, viện được chính thức bàn giao cho Chính phủ Việt Nam. Từ một cơ sở y tế tư nhân hình thành dưới thời Pháp thuộc, viện đã trở thành tài sản của Việt Nam, một cơ sở y tế công lập.
Hai năm sau, viện được sáp nhập, trở thành Khoa Ung thư của Bệnh viện Phủ Doãn (tiền thân của Bệnh viện Việt Đức ngày nay).
Cuối năm 1965, khi Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc, Khoa Ung thư phải sơ tán về Quốc Oai - Sơn Tây. Tại đây, khoa được xây dựng thành một cơ sở điều trị bệnh nhân ung thư bằng cách phẫu thuật, hóa chất và phóng xạ radium.
Bốn năm sau, ngày 17/ 7/1969, Bộ Y tế đã ra quyết định thành lập Bệnh viện K. Từ đây ngành nghiên cứu và chữa trị bệnh ung thư tại nước ta cũng đã bắt đầu bước sang giai đoạn mới.
Khi công việc xây dựng bệnh viện vừa bắt đầu thì Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc lần 2. Để đảm bảo công tác chữa trị cho người bệnh, bệnh viện đã đưa hơn nửa quân số sơ tán về Thanh Oai, một nửa ở lại bệnh viện duy trì hoạt động và trực chiến. Trên nóc nhà tầng 4 của bệnh viện là đội tự vệ gồm 10 tay súng ngày đêm trực tiếp chiến đấu.
Một trong số những dãy nhà sơ tán của Bệnh viện K. Ảnh: BVCC
Đến tháng 12/1972, ngôi nhà 4 tầng của Bệnh viện K được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Kể từ đó, cơ sở khám chữa bệnh và các phòng ban của bệnh viện được sắp xếp hợp lý và dần ổn định.
40 năm sau, ngày 19/8/2012, công trình Bệnh viện K cơ sở Tân Triều (Thanh Trì, Hà Nội) giai đoạn 1 được khánh thành, trở thành bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lớn nhất xây dựng tại Hà Nội, với diện tích sàn 65.000 m2, xây dựng trong khuôn viên 6,6 ha và tổng mức đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng.
Như vậy, từ những “viên gạch” đầu tiên được đặt nền móng vào những năm 20 của thế kỷ XX, ngày nay, Bệnh viện K gồm 3 cơ sở với quy mô khoảng 2.400 giường.
Cơ sở 1: Số 43 Quán Sứ và số 9A-9B Phan Chu Trinh (Hoàn Kiếm, Hà Nội).
Cơ sở 2: Tựu Liệt, Tam Hiệp (Thanh Trì, Hà Nội).
Cơ sở 3: 30 Cầu Bươu (Thanh Trì, Hà Nội).
Bệnh viện K cơ sở Tân Triều là cơ sở có diện tích rộng nhất. Ảnh: BVCC
Về nhân lực hoạt động, dưới sự trợ giúp của các nhà hảo tâm và các bác sĩ, năm 1925, Viện Cuire Đông Dương đã xây dựng hội đồng khoa học bao gồm 1 bác sĩ phẫu thuật; 1 bác sĩ X- quang, 1 bác sĩ chuyên khoa và 1 nhà nghiên cứu bệnh học.
Gần 25 năm sau, nhân sự của viện có sự thay đổi, ngoài 8 người Pháp nay còn có 7 người Việt Nam tham gia điều hành.
Năm 1969, khi mới thành lập, bệnh viện có quy mô 120 giường, 68 nhân viên trong đó có 20 bác sĩ.
Sau một thế kỷ, bệnh viện hiện có 1.800 cán bộ công tác tại 81 viện, trung tâm, khoa, phòng, rất nhiều trong số đó là giáo sư, tiến sĩ.
Năm | Số lượng nhân viên |
1925 | 3 bác sĩ, 1 nhà nghiên cứu bệnh học |
1969 | 68 nhân viên, trong đó có 20 bác sĩ |
2023 | 1.800 cán bộ |
GS.TS Lê Văn Quảng, Giám đốc bệnh viện, cho biết: “Chúng tôi luôn tăng cường nguồn đào tạo nhân lực chất lượng cao bằng cách đi học ở các nước có nền y học tiên tiến trên thế giới như Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore... để phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị bệnh nhân được tốt hơn”.
Năm 1925, nhờ vào các nguồn tài trợ khác nhau, Viện Cuire Đông Dương đã liên hệ với Hội Radium Bỉ và mua được 437mg radium. Với số lượng radium ít ỏi này, 35 bệnh nhân đầu tiên đã được điều trị.
Khi được đổi tên thành Viện Radium Đông Dương, cơ sở này chỉ có một máy quang tuyến X chẩn đoán, một máy điều trị với công suất 250KV, một máy công suất 400KV và một máy tia nông (60KV) dùng để điều trị những tổn thương ngoài da. Chất phóng xạ radium được đặt tại một phòng của Bệnh viện Yersin để thuận tiện sử dụng và quản lý.
Chỉ sau 7 năm, viện đã sở hữu 435mg radium, các trang thiết bị máy móc tối tân phục vụ X-quang và xạ trị với các phòng xét nghiệm hoàn chỉnh. Cơ sở này không chỉ chủ động thực hiện tất cả các xét nghiệm giải phẫu bệnh cần thiết mà còn thực hiện các xét nghiệm cho các bệnh viện khác trong khu vực.
Những tuýp radium được nhà bác học Marie Quire gửi tới từ năm 1923 và máy móc trong giai đoạn đầu. Ảnh: BVCC
Hơn nửa thế kỷ từ khi tên gọi Bệnh viện K chính thức ra đời, trình độ chuyên môn, trang thiết bị y tế của cơ sở này đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành bệnh viện dẫn đầu Việt Nam và đạt chuẩn quốc tế.
Từ năm 2017, bệnh viện đã đưa hệ thống PET-CT kỹ thuật cao vào hoạt động giúp phát hiện ung thư ở những giai đoạn sớm. Cùng với đó là máy chụp cộng hưởng từ; nội soi ánh sáng dải tần hẹp, các bộ nội soi dạ dày, phế quản, đại tràng hiện đại.
Đặc biệt, bệnh viện đã trang bị hệ thống gia tốc xạ phẫu có bộ chuẩn trực 160 lá, đây là hệ thống xạ trị hiện đại nhất Việt Nam hiện nay. Việc có thêm các thiết bị hiện đại đã giúp rút ngắn đáng kể thời gian khám chữa bệnh của người bệnh.
Đồng thời, nhiều kỹ thuật tiến tiến nhất trên thế giới về xạ trị cũng được Bệnh viện K đưa vào áp dụng trong điều trị bệnh ung thư tại bệnh viện.
Bên cạnh đó, bệnh viện cũng đã lắp đặt hệ thống Gamma Knife - thế hệ icon hiện đại nhất ứng dụng trong điều trị u não. Trong tương lai sẽ lắp đặt máy xạ trị Proton và hạt ion nặng là những phương pháp xạ trị hiện đại nhất thế giới hiện nay ứng dụng vào điều trị nâng cao hiệu quả chữa trị cho bệnh nhân ung thư.
Bệnh viện được trang bị nhiều máy móc hiện đại phục vụ việc điều trị. Ảnh: BVCC
Với việc ứng dụng công nghệ, kỹ thuật mới, mỗi năm, các bác sĩ của Bệnh viện K đã tiến hành khoảng 26.000 ca phẫu thuật với nhiều trường hợp khó, đồng thời đưa việc chẩn đoán, điều trị, tỷ lệ chữa khỏi ung thư tại Bệnh viện K ngang tầm các nước trong khu vực và thế giới.
Một minh chứng điển hình là theo kết quả từ cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú, tỷ lệ chữa khỏi ung thư vú của Việt Nam đã đạt trên 75% ngang với Singapore.
Trong giai đoạn còn giữ cương vị Giám đốc Bệnh viện, năm 2018, GS Trần Văn Thuấn, hiện là Thứ trưởng Bộ Y tế, từng khẳng định: “Các nước xung quanh như Singapore, Hàn Quốc có thiết bị gì, thuốc gì thì chúng ta cũng có thuốc, thiết bị đó”.
Cách đây không lâu, ung thư thường được xem là “cửa tử” là “án tử hình” đối với bệnh nhân. Ngày nay, đối với các bác sĩ của Bệnh viện K, ung thư không phải là dấu chấm hết! Những y bác sĩ tại đây đã và đang “trao hy vọng” để mong “nhận niềm tin” từ người bệnh.
Minh Anh