Ngày 5/8, bác sĩ Hoàng Công Tình, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hoà Bình, cho biết khi nhập viện, bệnh nhân bị nhiễm trùng, nhiễm độc nặng, suy đa tạng, tổn thương thận cấp, suy gan cấp, rối loạn đông máu. Ngoài ra, vết rắn cắn ở mu bàn tay trái hoại tử nặng nề do nọc độc của rắn và tình trạng bội nhiễm do vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài.
"Bệnh nhân có nguy cơ phải cắt cụt tay do vết thương hoại tử lan rộng toàn bộ bàn tay và lan lên cánh tay", bác sĩ nói.
Các bác sĩ hội chẩn, đưa ra phác đồ điều trị nhằm mục tiêu là hỗ trợ những tạng suy, kiểm soát tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc để bảo toàn tính mạng cho người bệnh. Ê kíp cố gắng ngăn chặn sự nhiễm trùng và hoại tử lan rộng của vết thương nhằm bảo tồn và phục hồi chức năng bàn tay cho người bệnh.
Sau một tháng điều trị, các tạng suy được hồi phục, sức khỏe của bệnh nhân khá dần lên. Tuy nhiên, vết thương bàn tay trái để lại một diện khuyết da khá lớn, vùng da khuyết lộ rõ các gân duỗi của tay.
Các bác sĩ cấp cứu phối hợp khoa Ngoại Chấn thương chỉnh hình, Gây mê hồi sức và Phục hồi chức năng tiến hành phẫu thuật vá da và phục hồi chức năng bàn tay cho người bệnh. Họ chuyển một vạt da vùng đùi trái lên vá vào vùng da khuyết ở bàn tay trái cho người bệnh.
Sau ca phẫu thuật, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định.
Các bác sĩ phẫu thuật bệnh nhân bị rắn độc cắn. Ảnh: Bệnh viện cung cấp
Bác sĩ khuyến cáo khi bị rắn độc cắn cần sơ cứu đúng cách để hạn chế thấp và chậm nhất sự xâm nhập của nọc độc vào trong cơ thể. Sau đó, nạn nhân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế có điều kiện để cấp cứu kịp thời. Không cố gắng hút nọc độc của rắn, trích, rạch, châm, chọc tại vùng vết rắn cắn.
Bất cứ trường hợp nào bị rắn cắn, ngay cả khi xác định là rắn lành, đều cần xử trí và theo dõi tại bệnh viện như rắn độc cắn, ít nhất trong 12 giờ đầu. Bệnh nhân đến bệnh viện trễ sau 12-24 giờ, kết quả điều trị rất kém hoặc không hiệu quả.