Cải cách chính sách hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

18/10/2022 05:45
- Cuối năm 2021, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc đã ký Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

Cải cách chính sách hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

Nhiều lao động phi chính thức chưa tham gia bảo hiểm xã hội nên gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách an sinh (Ảnh: Hải Long).

Những năm qua, vấn đề mở rộng, bảo phủ toàn diện bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn được Chính Phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) quyết liệt chỉ đạo thực hiện và xác định là một trong những mục tiêu trọng tâm để đảm bảo an sinh cho người dân.

Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, vấn đề bao phủ BHXH lại ngày càng trở nên cấp thiết hơn khi nhiều lao động chưa tiếp cận được các gói hỗ trợ khi chưa tham gia bảo hiểm.

Vừa qua, tại phiên họp thẩm tra các báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện chế độ, chính sách bảo hiểm xã hội của Ủy ban Xã hội của Quốc hội tại TPHCM, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung lại một lần nữa nhấn mạnh: "Vấn đề quan trọng lúc này là cần mở rộng, bao phủ toàn diện bảo hiểm xã hội; khi phát triển BHXH tự nguyện, phải hướng đến nhóm lao động phi chính thức".

Theo người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về an sinh xã hội, để làm được điều đó cần có sự quyết tâm, đồng lòng của cả hệ thống chính trị. Đối với ngành lao động - thương binh và xã hội, thời gian tới sẽ cần phải làm rất nhiều việc để lao động phi chính thức tự nguyện tham gia bảo hiểm xã hội. Các công tác tuyên truyền các chính sách về bảo hiểm xã hội cần phải hiệu quả để người dân hiểu và tự nguyện tham gia.

Năm 2021, tổng số người hưởng chế độ BHXH từ ngân sách nhà nước là hơn 1,18 triệu người với số tiền 45.400 tỷ đồng. Hơn 1 triệu người được giải quyết trợ cấp một lần, 5,6 người được hưởng chế độ ốm đau; 1,4 triệu lượt người hưởng chế độ thai sản...

Quỹ hưu trí và tử tuất đảm bảo chi trả cho hơn 2,18 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng, số tiền hơn 131.300 tỷ đồng. Kinh phí chi trả trợ cấp một lần là 39.600 nghìn tỷ đồng, tăng 15,74% so với năm 2020.

Cải cách chính sách hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân

BHXH TPHCM tuyên truyền chính sách bảo hiểm đến người lao động (Ảnh: A.X).

Để đạt được những kết quả trên, tính đến hết ngày 31/12/2021, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã ban hành 84 văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện (29 Nghị định của Chính phủ, 4 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, 51 Thông tư của các Bộ). Các văn bản quy phạm pháp luật đều được ban hành kịp thời, bảo đảm tiến độ và chất lượng, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tổ chức triển khai thực hiện.

Cũng trong năm 2021, khi doanh nghiệp và người lao động chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Chính phủ đã tiếp tục ban hành hoặc trình Quốc hội ban hành chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 từ các quỹ BHXH, bảo hiểm thất nghiệp; chính sách giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ hưu trí và tử tuất; chính sách giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) cho người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; chính sách hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 từ kết dư Quỹ BHTN; chính sách hỗ trợ đào tạo nâng cao bồi dưỡng kỹ năng để duy trì việc làm cho người lao động.

Trong năm 2021, Chính phủ đã giao cho Bộ LĐ-TB&XH chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan thực hiện các hoạt động đàm phán, ký kết các hiệp định song phương về BHXH. Cụ thể, Bộ đã xây dựng, trình Chính phủ hồ sơ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Hiệp định song phương Việt Nam - Hàn Quốc về BHXH.

Ngày 14/12/2021, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cùng Bộ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc đã ký Hiệp định song phương về BHXH giữa Việt Nam và Hàn Quốc. Đây là Hiệp định đầu tiên của Việt Nam với một quốc gia khác về BHXH.

Nguồn dantri.com.vn

Cải cách chính sách hướng tới bảo hiểm xã hội toàn dân - Đời Sống