Bài toán 'tiền đâu' cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

05/12/2021 08:10
Chuyên gia Trương Văn Phước cho rằng nên huy động vốn trong nước và để tạo không gian thực thi gói hỗ trợ nên đặt mức lạm phát mục tiêu bình quân 3-5 năm thay vì "cứng" hằng năm.

Diễn đàn bàn về phục hồi kinh tế do Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức sáng nay đã đề cập quy mô gói phục hồi kinh tế, theo tính toán của các chuyên gia, khoảng 5,5-8% GDP, tức khoảng 445.760-666.000 tỷ đồng. Trong phiên chiều, các chuyên gia bàn nhiều hơn về câu chuyện "tiền đâu" để huy động.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, nêu giải pháp huy động vốn từ thị trường trong nước, như Ngân hàng Nhà nước có thể xem xét mua trái phiếu Chính phủ trực tiếp và gián tiếp. Chẳng hạn, trên thị trường sơ cấp, nhà điều hành có thể dùng tiền cung ứng hoặc tiền gửi của các ngân hàng, gồm tiền gửi dự trữ bắt buộc hay tiền gửi thanh toán để mua trái phiếu Chính phủ.

Cách này theo ông Trương Văn Phước, vừa là hành động hỗ trợ ngân sách, vừa nắm công cụ điều hành tiền tệ khi vừa có thể bơm tiền (mua trái phiếu Chính phủ) và hút tiền (bán trái phiếu Chính phủ) cho các tổ chức tín dụng.

"Khả năng huy động nguồn vốn tài chính trong nước vẫn khá dồi dào khi lãi suất trái phiếu Chính phủ quanh mức 2,09% một năm với kỳ hạn 10 năm", ông Phước giải thích.

Bài toán 'tiền đâu' cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế

Ông Trương Văn Phước, nguyên Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia. Ảnh: Anh Tú

Về mặt chính sách, theo nguyên Quyền Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia, Quốc hội có thể xem xét đặt ra mức lạm phát mục tiêu bình quân trong 3-5 năm, không nhất thiết chính sách tiền tệ phải điều hành để lạm phát hàng năm dưới mức mục tiêu 4% như hiện nay. "Lạm phát trong 3-5 năm, dù có năm cao, thấp nhưng bình quân dưới mức 4% là được", ông nhận xét.

Ngoài ra, với mức lạm phát năm nay dự báo dưới 3%, có thể giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ít nhất 1%, mở rộng và nới lỏng điều kiện cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn... nhằm giảm lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng thương mại.

Phân tích trên bối cảnh hiện nay của Việt Nam, ông Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng CIEM lưu ý, để thu hút nguồn lực thực hiện hỗ trợ phục hồi kinh tế như cho các định chế tài chính mua trái phiếu thì có thể nới các chỉ tiêu bội chi, nợ công.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, đồng tình về việc có thể tính toán để giảm khoảng 0,5-1% lãi suất cho vay trong năm 2022, và duy trì ổn định trong 2023.

"Có thể sử dụng công cụ nghiệp vụ thị trường mở, cả tỷ lệ dự trữ bắt buộc phù hợp, để hỗ trợ các tổ chức tín dụng duy trì lãi suất ở mức thấp", ông nêu.

Ngoài ra, ông Trương Văn Phước đề nghị Ngân hàng Nhà nước nên tiếp tục kéo dài chính sách cơ cấu nợ theo Thông tư 14 đến cuối năm 2022, do đây là chính sách tạo điều kiện cho người vay tiếp cận vốn của các nhà băng.

"Hệ thống ngân hàng thanh khoản dồi dào nhưng vẫn cạnh tranh nhau về lãi suất, là do vẫn có nhà băng đang thiếu "thuốc" và tìm cách mua với bất cứ giá nào. Giải quyết những vấn đề này sẽ giảm lãi suất, nếu không khéo áp lực lạm phát tăng lên thì những hỗ trợ doanh nghiệp sẽ lãng phí", ông Phước nhấn mạnh.

Tham gia toạ đàm sau đó, ông Phạm Thanh Hà, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, cho biết, hai năm qua hệ thống đã hỗ trợ cho nền kinh tế rất lớn. Các nhà băng đã miễn, giảm lãi suất cho các khoản vay cũ và mới, cơ cấu lại nợ vay cho các doanh nghiệp. Nhờ đó, lãi suất điều hành và cho vay đều giảm so với đầu năm 2020.

Phó thống đốc Phạm Thanh Hà cũng nêu một số thách thức của hệ thống như nguy cơ lạm phát, mặt bằng lãi suất phải cân đối trong tương quan với lạm phát và lợi ích của người gửi tiền. Dù thế, hệ thống vẫn có nguồn lực, như tăng thêm vốn cho các ngân hàng thương mại bởi nếu tăng được một đồng vốn cho khối này sẽ tăng được 8 đồng cho dư nợ nền kinh tế.

Cũng tại toạ đàm, các chuyên gia kinh tế đề cập sự cần thiết của việc hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ.

Theo ông Vũ Sỹ Cường, giảng viên Học viện Tài chính, sự phối hợp này cần thiết bởi tác động của chính sách tài khóa hay tiền tệ tới các biến số vĩ mô của nền kinh tế rất phức tạp.

"Chính sách tài khóa hay tiền tệ đều được thực hiện dựa trên một số công cụ chính sách mà mỗi công cụ này có hiệu lực với một hoặc một số mục tiêu nhất định. Do vậy, việc phối hợp hai chính sách sẽ làm tăng số lượng các công cụ chính sách sẵn có, giúp tăng tính hiệu lực chung của chính sách kinh tế vĩ mô", ông Cường nêu.

Lý do nữa, ông nêu, những quyết định của chính sách tài khóa đòi hỏi thời gian dài không chỉ trong việc ra quyết định mà còn trong thực thi quyết (độ trễ trong), không đáp ứng được yêu cầu xử lý các tình huống nhanh chóng. Tuy nhiên, chính sách tiền tệ chỉ có thể tác động gián tiếp đến tổng cầu thông qua hành vi của doanh nghiệp và hộ gia đình (độ trễ ngoài).

Việc kết hợp hai chính sách tài khóa và tiền tệ sẽ khắc phục hạn chế về độ trễ của mỗi chính sách, tính linh hoạt, phù hợp với năng lực ngân sách và bảo đảm tính ổn định của mỗi chính sách.

Ở khía cạnh này, ông Võ Trí Thành cũng nói, phối hợp chính sách tài khoá - tiền tệ là nghệ thuật khó trong bối cảnh đặc biệt hiện nay. Thực tế cho thấy, các chính sách tài khóa, tiền tệ thường tác động đến tiêu dùng, đầu tư, lạm phát, sản lượng (GDP), tỷ giá, lãi suất, với mức độ khác nhau. Vì thế, bên cạnh sự giám sát thường xuyên và phối hợp trong triển khai chính sách, cần lưu ý đến phản ứng của thị trường tài chính, thể hiện qua biến động tỷ giá, lãi suất, lạm phát.

Kết luận diễn đàn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng nhấn mạnh việc phối hợp linh hoạt hài hoà chính sách tài khoá, tiền tệ và quy mô gói hỗ trợ phải "đủ lớn, đủ rộng với liều lượng hợp lý, có lộ trình trong hai năm 2022 - 2023".

Dẫn lại ý kiến các chuyên gia là cần đánh giá tác động kỹ lưỡng và có thể chấp nhận tăng bội chi, nợ công trong ngắn hạn, ông Huệ lưu ý, về dài hạn, gói chính sách phải đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nhất là khả năng trả nợ và cần giám sát chặt chẽ để chống tiêu cực.

"Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, cũng chính là nuôi dưỡng nguồn thu. Chính sách dứt khoát có rủi ro, nhưng dễ làm khó bỏ thì không nên, cần có gói hỗ trợ về lãi suất tập trung vào một số ngành trọng tâm, có khả năng phục hồi", ông nói.

vnexpress.net

Bài toán 'tiền đâu' cho gói hỗ trợ phục hồi kinh tế - Xã Hội