Dương Tường:Rửa tay gác kiếm vẫn chưa Chết chịu với dịch

07/09/2019 03:46
87 tuổi, gần 60 năm gắn bó với sự nghiệp dịch thuật văn chương, với khoảng 50 dịch phẩm lớn nhỏ, trước lúc “rửa tay gác kiếm”, Dương Tường có nhiều chia sẻ về hoạt động dịch thuật.

87 tuổi, gần 60 năm gắn bó với sự nghiệp dịch thuật văn chương, với khoảng 50 dịch phẩm lớn nhỏ, trước lúc “rửa tay gác kiếm”, Dương Tường có nhiều chia sẻ về hoạt động dịch thuật.

Theo thông lệ, chương trình tọa đàm văn học Pháp thường diễn ra vào tối thứ 3 đầu tiên trong tháng tại L’espace (Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội). Nhưng buổi tọa đàm “Cái chết - tài sản duy nhất mà con người sở hữu” nhân dịp ra mắt bản dịch tiếng Việt Chết chịu của Louis-Ferdinand Céline tối 3/9 thật đặc biệt. Bạn đọc tới đông gấp ba những buổi tọa đàm khác khiến chương trình phải rời từ thư viện sang hội trường rộng hơn.

Giới văn chương, xuất bản, bạn đọc tới không chỉ để nghe các diễn giả phân tích tác phẩm Chết chịu, họ đến gửi lời cám ơn tới dịch giả Dương Tường trong lễ tuyên bố “rửa tay gác kiếm” với dịch thuật của ông.

'Ăn nằm' với nguyên tác rồi 'đẻ' ra bản dịch

Trong làng dịch thuật, Dương Tường có sự nghiệp trải dài mấy mươi năm, song hành theo lịch sử xuất bản văn học dịch. Ông Nhật Anh - Giám đốc công ty sách Nhã Nam, đơn vị xuất bản nhiều tác phẩm dịch của Dương Tường - nhận định Dương Tường có thể xếp vào đội ngũ những dịch giả gạo cội, tài năng nhất mà lịch sử Việt Nam từng chứng kiến như: Nguyễn Văn Vĩnh, Hoàng Thiếu Sơn, Đỗ Đức Hiểu, Phạm Mạnh Hùng, Cao Xuân Hạo...

“Cả đời viết lách, dịch thuật, theo đuổi những trước tác đồ sộ, bất cứ tiếng Anh hay Pháp, mà vẫn phô diễn đầy đủ cái tài hoa của tiếng Việt đến độ muốn ký tên chung với tác giả, thì chỉ có một Dương Tường”, ông Nhật Anh nói.

Dương Tường: 'Rửa tay gác kiếm' vẫn chưa 'Chết chịu' với dịch

Dịch giả Dương Tường tại Trung tâm Văn hóa Pháp tối 3/9. Ảnh: Nguyễn Hồng.

Dương Tường luôn làm những việc khó hơn sức mình để thử và cố gắng. Các tác phẩm mà ông lựa chọn đều là những trái núi cao vời vợi mà nhiều dịch giả e ngại. Những Lolita (Vladimir Nabokov), Anna Karenina (Lev Tolstoy), Đồi gió hú (Emily Brontë), Kafka bên bờ biển (Haruki Murakami), Bên phía nhà SwanDưới bóng những cô gái đương hoa (Marcel Proust), Chết chịu (Louis-Ferdinand Céline)… đều là tác phẩm phức tạp về ngữ pháp, ngôn từ, chuyển tải tầng tầng lớp lớp nghĩa.

Không quá lời khi nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên nói dịch giả Dương Tường đã ăn nằm với nguyên tác để đẻ ra bản dịch. Dương Tường dịch với tâm hồn nghệ sĩ, nhưng cách làm việc còn hơn cả công chức. Đối với ông, lao động tám tiếng một ngày vẫn chưa đủ, những câu chữ vẫn cứ bám vào trong đầu. Có khi nửa đêm chợt nghĩ ra một chữ “đắt”, ông phải dậy ghi lại ngay, kẻo sáng hôm sau quên mất.

Thời gian ông dành để dịch mỗi tác phẩm trung bình là một năm, có những cuốn hai, ba năm và thậm chí lâu hơn nữa. Chẳng hạn, Chết chịu (Céline) “ngốn” của ông hơn một năm trời, Dưới bóng những cô gái đương hoa của Marcel Proust thì một năm rưỡi.

Dương Tường có thói quen làm bất cứ việc gì cũng hết mình. Khi dịch bất kỳ một cuốn sách của tác giả nào, ông cũng đọc tác phẩm ít nhất hai lần, bên cạnh đó còn dành thời gian tìm hiểu về tiểu sử, phong cách tác giả, vị trí của tác giả trong nền văn học...

Với Chết chịu, ông phải tra cứu từ điển Céline, đọc lại tác phẩm trước đócủa Céline làHành trình đến tận cùng đêm tối và tiểu sử tác giả. Còn với Proust, ông có một ngăn tủ chứa khoảng 30 cuốn tài liệu về tác giả và bộ Đi tìm thời gian đã mất. Thái độ nghiêm túc và khoa học ấy đã giúp ông thấu hiểu những mạch ngầm bên dưới con chữ để chuyển ngữ chính xác hơn, đồng thời hạn chế sai sót trong dịch thuật.

Tiếng lóng, từ địa phương hay các từ mới do tác giả sáng tạo ra là những yếu tố ngôn ngữ mà Dương Tường đã gặp nhiều trong quá trình dịch thuật. Một mặt, ông tra cứu các từ điển tiếng lóng, đối chiếu các bản dịch, đọc phân tích thêm bên ngoài. Mặt khác, ông phải tìm hiểu lại về tiểu sử, phong cách của tác giả đó, cuối cùng mới vỡ ra được những tâm tư của tác giả nằm ẩn sâu trong những ngôn từ mới lạ mà họ sáng tạo nên. Đó thực sự là những cuộc “đánh vật” với con chữ. Mỗi lần như thế, ông lại phải nghĩ ra một từ hay tiếng tương đương trong tiếng Việt.

Dương Tường: 'Rửa tay gác kiếm' vẫn chưa 'Chết chịu' với dịch

Một số tác phẩm dịch của Dương Tường.

Các tác phẩm mà Dương Tường chọn dịch có văn phong không giống nhau. Khi chuyển từ dịch Céline sang Marcel Proust, Dương Tường phải thích nghi với một văn phong mới. Céline viết câu ngắn, sử dụng văn nói và chơi chữ, còn Proust viết tiếng Pháp chữ nào cũng dễ nhưng câu nào cũng khó, câu chữ loằng ngoằng, nhiều mệnh đề chồng chất nhau, đôi lúc không biết quan hệ giữa các mệnh đề, buộc dịch giả phải mò mẫm, suy ngẫm cả buổi để tìm mệnh đề chính trong một câu.

Trong việc dịch, Dương Tường đề ra hai tiêu chuẩn chính: Tín và nhã. Tín là trung thành, nhã là câu văn dịch ra phải đẹp. Nhưng “tín” không có nghĩa là bám sát vào câu chữ theo nghĩa đen mà bỏ qua ngữ cảnh, văn hóa, vì như vậy sẽ làm mất đi cái “nhã”. Cái khó trong dịch thuật không phải là ngoại ngữ, mà nằm ở chỗ nhuyễn tiếng mẹ đẻ. Đây là đôi lời nhắn gửi của Dương Tường đến với thế hệ dịch giả sau này.

Tiếng Việt dẫn dắt con đường dịch thuật

Trước khi “gác kiếm”, Dương Tường đã kịp có cơ hội thử sức mình ở một khía cạnh khác của công việc dịch thuật: chuyển ngữ thi phẩm Truyện Kiều của Nguyễn Du sang tiếng Anh.

Sau một đời lăn lộn với văn chương nước ngoài, mắt ông ngày càng mờ, gần như chẳng nhìn thấy gì nữa. Lúc này, ông chuyển sang đọc và học lại Truyện Kiều, cùng một người cháu nhỏ. Cả đời chuyển ngữ tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt, Dương Tường nảy ra ý tưởng sao mình không dịch Kiều sang tiếng nước ngoài.

Dương Tường: 'Rửa tay gác kiếm' vẫn chưa 'Chết chịu' với dịch

Nhà thơ, dịch giả Dương Tường bên người thân.

Trước khi bắt tay vào công việc mới, ông đã khấn xin cụ Nguyễn Du cho ông được phép dịch Truyện Kiều. Mắt kém, ông dùng kính lúp để soi chữ. Ròng rã hai năm trời, ông mò từng tí một để học. Mới đầu, ông phải tập viết lại chữ to trên giấy A4 rồi mới dịch. Ông nhận được sự giúp đỡ từ nhiều bạn trẻ trong việc làm màn hình khổ lớn và soạn thảo văn bản.

Trước nay đã tồn tại nhiều bản dịch Truyện Kiều sang tiếng nước ngoài, song bản dịch của Dương Tường được xem là bản dịch Anh ngữ mới nhất hiện nay. Hiện bản thảo đã được gửi cho nhóm biên tập để hiệu chỉnh. Dịch giả hứa hẹn sẽ còn nhiều buổi giao lưu với độc giả để giới thiệu dịch phẩm mới này.

Chia sẻ về lý do thực hiện công trình này, Dương Tường chia sẻ: Cả đời dịch thuật, ông đã chuyển ngữ các tác phẩm nước ngoài sang tiếng Việt nhiều rồi, bây giờ cần phải dịch một kiệt tác nước mình sang tiếng nước ngoài, mà lựa chọn của ông là Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du.

Điều đó cũng bắt nguồn từ tình yêu tiếng mẹ đẻ của ông. Cũng chính tình yêu này đã dẫn dắt ông theo đuổi con đường dịch thuật bấy nhiêu năm qua. Ông cho rằng tiếng Việt là ngôn ngữ giàu nhạc tính và đẹp nhất thế giới.

Dương Tường: 'Rửa tay gác kiếm' vẫn chưa 'Chết chịu' với dịch

Chết chịu - cuốn sách dày 600 trang do Dương Tường chuyển ngữ.

Chứng kiến việc tiếng Việt ngày càng bị chêm nhiều ngoại ngữ trên truyền hình, mạng xã hội, Dương Tường vừa “cáu”, vừa đau lòng.

Việc ông đọc lại và biên dịch Truyện Kiều cũng để giữ lấy lòng yêu tiếng Việt. Lão dịch giả mong rằng các bạn trẻ, các cháu nhỏ học lại được Truyện Kiều và thêm yêu tiếng mẹ đẻ của chúng ta hơn.

Không chỉ có công trong việc dịch thuật, phục vụ nhiều thế hệ độc giả, Dương Tường còn là người đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo dịch giả văn học trẻ Việt Nam. Ông luôn là một biểu tượng của tri thức chính trực, cả đời cống hiến cho văn chương, nghệ thuật. Dùng một cụm thành ngữ vui vui là “rửa tay gác kiếm” để xin khép lại chặng đường cần mẫn của một “người chuyển ngữ” văn chương, nhưng Dương Tường vẫn cảm thấy mình còn nợ cuộc đời, quyết không “chết chịu”, mà hy vọng sẽ còn có nhiều cơ hội tái ngộ với độc giả Việt Nam.

Tạ Đình Đoàn

Sự nghiệp dịch thuật của Dương Tường Dương Tường Chết chịu Lolita Bên phía nhà Swan Dưới bóng những cô gái đương hoa

Bình luận

Bạn có thể quan tâm

news.zing.vn

Dương Tường:Rửa tay gác kiếm vẫn chưa Chết chịu với dịch - Đời Sống